recentposts

Ý nghĩa đích thực của Trà Đạo trong Văn hóa Nhật Bản

Cuộc sống - Hiện nay, hầu như đa số người Việt đều hiểu đơn giản “Trà đạo Nhật Bản” là cách uống trà truyền thống của người Nhật. Nhiều tư liệu về văn hoá Nhật Bản, do các tác giả không phải người Nhật biên soạn, hầu như cũng giới thiệu Trà đạo Nhật Bản là cách uống trà truyền thống của người Nhật. Vì hiểu chưa chính xác về Trà đạo Nhật Bản nên nhiều người vẫn lẫn lộn giữa Trà đạo Nhật Bản và việc thưởng thức trà của người Nhật, dẫn đến việc có những so sánh và kết luận không chính xác việc uống trà cũng như nghệ thuật thưởng thức trà giữa Nhật Bản các nước khác.

Cho đến nay có rất nhiều nhà nghiên cứu ở Nhật Bản cũng như các nước khác nghiên cứu về Trà đạo Nhật Bản, nhưng hầu hết đều dừng ở mức độ mô tả về trình tự, về chất liệu, hình dạng của dụng cụ pha và uống, về kiến trúc và nội thất của phòng trà …

Cũng có những nhà nghiên cứu đưa ra các kết luận về bản chất tâm thức của Trà đạo Nhật Bản, nhưng các nhà nghiên cứu này chỉ sử dụng phương pháp thực nghiệm, tổng hợp và phân tích, chưa sử dụng đến phương pháp so sánh thông qua các thành tố.


Với lịch sử phát triển hơn 500 năm lịch sử, trà đạo là hoạt động đặc thù mang tính nghệ thuật, mang phong cách tình cảm riêng của người Nhật Bản, mà điều làm nên điểm đặc biệt cho hoạt động nghệ thuật này chính là cách pha trà và thưởng thức trà. Có thể nói rằng nghệ thuật trà đạo tại Nhật Bản hội tụ những tinh hoa cả về tinh thần lẫn nghệ thuật đầy nét cổ kính của chính những con người ở xứ sở hoa anh Đào.


Người sáng lập trà đạo là một hòa thượng tên gọi Muratashu Mitsu. Ông đã tìm thấy hương vị tuyệt vời trong khi uống trà. Sau này, các đệ tử của ông đã phát huy ảnh hưởng và hình thành nên một môn nghệ thuật lưu truyền đến ngày nay. Đây cũng được xem như một bộ môn đặc biệt đối với những thanh niên hiện đại ở Nhật, những người cần tìm cho mình một phương pháp để rèn luyện tinh thần, sự kiên nhẫn cũng như một liệu pháp để mang lại sự bình yên.

Một góc của khu vực diễn ra buổi thưởng trà. Ảnh: Internet

Thời gian tổ chức trà đạo chia ra làm 4 khung giờ chính: trà sáng (7 giờ sáng), sau buổi cơm sáng (8 giờ sáng), giữa trưa (12 giờ trưa) và buổi tối (6 giờ tối). Khách mời đúng giờ đến phòng nghỉ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách. Trong phòng trà, một góc chiếu có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính. Trong khi chủ nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết. Người Nhật luôn thể hiện tinh thần hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng những gì tạo hóa mang đến cả trong tin thần lẫn trong ẩm thực. Ví dụ: tổ chức trà đạo vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc.
Trà để pha là loại bột trà xanh được chế biến cẩn thận bằng cách giã nát trong cối đá – người Nhật gọi là nghiền trà. Ngày nay ta thường bắt gặp loại trà dùng trong trà đạo dưới cái tên là Matcha, cũng thường xuyên được dùng như một nguyên liệu để dùng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là các món ngọt và tráng miệng.

Trà xanh dùng trong Trà Đạo. Ảnh: Internet

Người Nhật có hai cách pha trà tùy theo nồng độ của trà: pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, hương thơm hơi chát. Chủ nhân múc hai muôi gỗ trà cho vào bát, đổ nước sôi, dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức trà đạo cũng kết thúc.

Một phần nhỏ của bộ dụng cụ dùng trong Trà Đạo Nhật Bản. Ảnh: Internet

Chỉ một ly trà xanh nho nhỏ nhưng với người Nhật nó lại như một ốc đảo trong tâm hồn. Họ cho rằng thông qua trà đạo có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân. Có người dùng 4 chữ “hòa, kính, thanh, tịnh” để khái quát tinh thần cơ bản của trà đạo. “Hòa” là hòa bình; “kính” là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; “thanh” tức là thanh tịnh, thanh khiết; còn “tịch” là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo: an nhàn. Nhìn sâu và rộng hơn về trà đạo, ta sẽ lại càng cảm thấy cảm phục hơn ở người dân Nhật Bản cả về tinh thần lẫn cách sống của họ, Một buổi trà đạo tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đầy những ẩn ý sâu sa, học thức sâu rộng mà chúng ta đôi khi bỏ sót trong cuộc sống bộn bề và gấp rút hiện nay.

Bạn đang đọc bài tại: Tạp Chí Làm Đẹp

 N: Tổng hợp
loading...
Được tạo bởi Blogger.